Doanh nghiệp ngành xây dựng: Tìm cơ hội trong khó khăn
 
 
 
Năm 2012 cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, ngành xây dựng cũng gian nan “chèo lái con thuyền” của mình. 

Theo đánh giá của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu của các DN ngành Xây dựng còn cao, đặc biệt là DN Nhà nước luôn không đủ khả năng dùng vốn chủ sở hữu của mình để thanh toán các khoản nợ. Cụ thể, tỉ lệ DN trong ngành Xây dựng kinh doanh thua lỗ vẫn còn tương đối lớn, nhất là các DN nhà nước.

Khó khăn chồng chất

Giám đốc Công ty xây dựng T.H, Quận Thủ Đức, TP HCM chia sẻ, năm 2011, sau khi quyết toán thu chi các công trình đã hoàn thành, công ty bị lỗ gần 700 triệu đồng. Lý giải nguyên nhân lỗ, vị lãnh đạo này cho hay là do thời điểm đấu thầu công trình, giá vật liệu xây dựng (VLXD) chưa tăng, nhưng tới khi khởi công xây dựng thì cả giá vật liệu lẫn giá nhân công đồng loạt tăng, kéo theo mọi chi phí khác tăng thêm. Ngoài ra, do việc nhận thi công 2 trường học, mỗi trường có tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng (thuộc công trình phân bổ theo ngân sách nhà nước) nhưng sau gần hai năm thi công vẫn chưa được giải ngân vốn do công trình thuộc phạm vi cắt giảm chi tiêu theo Nghị quyết 11.

Cùng chung cảnh ngộ trên, ông Lại Đức Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái cho biết: là DN cổ phần hóa từ năm 2001, đến năm 2010 không còn vốn nhà nước. Công ty hiện có 211 cán bộ, công nhân lao động lành nghề. Năm 2012 đang hết sức khó khăn, bởi Công ty chủ yếu thi công các công trình đầu tư công trong khi Nhà nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 cắt giảm đầu tư công nên chưa tìm kiếm được công trình nào mới ngoài khối lượng trên 10 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm trước sang. Không có việc làm, bảo hiểm của cán bộ, công nhân viên không đóng được.

Cũng theo ông Thành, hiện nay nhiều tỷ đồng vốn nợ đọng nằm trong các công trình mà Công ty thi công nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán, trong khi đơn vị vẫn phải trả lãi vay cho ngân hàng. Hiện nay, nguồn vốn lưu động của Công ty đã cạn. Do phải đầu tư nguyên vật liệu cho thi công các công trình cao, lãi suất ngân hàng tăng, công trình nhận thi công quá ít, vốn nợ đọng từ công trình đã hoàn thành nhiều nên công ty không lo được việc làm, tiền lương và tiền đóng bảo hiểm cho công nhân. Hiện nay, Công ty chỉ còn đóng bảo hiểm cho bộ phận cán bộ văn phòng, còn lại công nhân tự lo việc làm và tự đóng bảo hiểm.

Hiện nhiều dự án đang thực hiện dang dở không thể thu hút thêm vốn để triển khai, dẫn đến bị đình trệ hoặc tạm hoãn, khiến nhiều DN bất động sản phải “oằn mình” gánh chi phí lãi vay và các chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Trong hai năm qua, không ít DN đã thực hiện việc giảm giá bán hoặc áp dụng các chính sách khuyến mãi, dự thưởng, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà nhằm kích cầu và giải quyết tình trạng thị trường “đóng băng” - Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thuduc House cho biết.

Cơ hội trong khó khăn

Sự phục hồi của ngành xây dựng, theo chuyên gia kinh tế Đặng Hùng Võ, cơ hội sẽ không chia đều cho các doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp nhỏ có thể trông cậy vào phân khúc nhà tư nhân nhưng xét chung cả ngành, phân khúc này chiếm tỷ trọng không cao. Áp lực sẽ nặng nề hơn và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn ở khối doanh nghiệp thi công dự án.

Ông Võ cho biết thêm rằng, khủng hoảng đã giúp sắp xếp lại “bản đồ” doanh nghiệp xây dựng và “chính trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, năng lực và tư cách của mỗi nhà thầu được bộc lộ rõ”. Do vậy, lợi thế hiện đang có phần nghiêng về những nhà thầu đã thể hiện được tính thích ứng cao trong năm 2012 đầy khó khăn. Sự thích ứng này có được nhờ tính chuyên nghiệp của nhà thầu, trong đó hai yếu tố mang tính quyết định đối với chất lượng thi công là quy trình công nghệ chặt chẽ và con người phục vụ quy trình đó.

Xuất phát từ kinh nghiệm của một DN có truyền thống trong ngành xây dựng, ông Minh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty xây dựng Minh Tuân (Thanh Hóa) chia sẻ, kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy trong hoàn cảnh kinh tế gặp không ít khó khăn thì giải pháp tối ưu là cần “giữ con người” trong mọi hoàn cảnh. Ông cho biết năm ngoái Minh Tuấn “thắt lưng buộc bụng” đến mức tối đa, giảm thu nhập các cấp quản lý để phụ cấp trượt giá cho công nhân và không cắt giảm bất cứ một trường hợp nào.

Quan điểm của ông là “thà chịu lỗ còn hơn mất người” bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực luôn là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp xây dựng từ nhiều năm qua. “Chắc chắn khi thị trường phục hồi, vấn đề nhân lực lại tiếp tục là bài toán hóc búa”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam cũng khuyến cáo các DN cần tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả. Danh mục đầu tư của DN phải được thu gọn và chỉ tập trung vào các dự án có tiềm năng và vốn đầu tư bảo đảm. Mỗi DN cần tái cấu trúc lại sản xuất, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

DN mong chờ cơ chế phù hợp

Ông Lê Văn Định- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho rằng, thông tin rõ ràng, minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, ông Định có đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng có những thông tin kịp thời, chính xác, nhất quán; các giải pháp điều hành kinh tế cần được thực hiện đồng bộ, cân nhắc kỹ những hiệu ứng có thể phát sinh khi thực hiện, đồng thời cần có lộ trình thực thi hợp lý, tránh để doanh nghiệp bị “sốc”, hoặc rơi vào thế bị động, lúng túng khi quyết định các phương án kinh doanh...

Đồng quan điểm trên, bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà Đất thẳng thắn cho rằng, chính sách về quản lý của Nhà nước chưa phù hợp với thực tiễn, với sự phát triển của DN đang là trở ngại lớn đối với hoạt động kinh doanh của các DN ngành xây dựng, bất động sản. Đơn cử, mức thuế suất 2% tổng giá mua ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là không phù hợp. Còn trong tình trạng thị trường nhà đất khó khăn như hiện nay, việc thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP khiến việc thu tiền sử dụng đất bị đình đốn.

Đặc biệt là tại TP.HCM, do các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xác định đâu là giá thị trường, còn các DN bất động sản không kham nổi khoản tiền sử dụng đất quá cao. Hiện nay, có nhiều dự án chủ đầu tư đã bán nhà ở mà chưa đóng tiền sử dụng đất, nếu tính toán với giá bán cách đây 5 năm trở lên thì DN sẽ lỗ.

Trên cơ sở đó, không ít các DN trong ngành xây dựng đều có đề nghị cần phải rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các luật liên quan đến DN để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững của các DN.
Theo: stox.vn


Các tin khác