Chất lượng báo cáo tài chính

Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty 2012 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chỉ ra rằng, tình hình kinh tế Việt Nam có chiều hướng đi xuống, kinh doanh kém thuận lợi khiến báo cáo thường niên cung cấp ít thông tin hơn, có thể do tình hình tài chính khó khăn hay công ty muốn hạn chế công bố các kết quả yếu kém.

 “Kẻ gian” ngay trong nhà

Việc đánh giá chất lượng các báo cáo tài chính (BCTC) hiện nay dường như nhờ cậy vào kiểm toán – “người gác đền”. Song trên thực tế kiểm toán viên không có trách nhiệm ngăn ngừa và không thể kỳ vọng kiểm toán viên phát hiện hành vi không tuân thủ của đơn vị được kiểm toán đối với tất cả các quy định pháp luật liên quan việc ngăn ngừa những gian lận này.

Mức độ minh bạch của các DN Việt Nam còn rất yếu

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kiểm toán hành nghề Việt Nam (VACPA) Bùi Văn Mai cho biết, trường hợp DN mong muốn lập bản BCTC trung thực, và hợp lý nhưng bị sai sót, phản ánh sai lệch thực tế do trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, do hệ thống kiểm soát hoạt động kém hiệu quả... thì DN kiểm toán và kiểm toán viên sẽ hỗ trợ, tư vấn, sửa đổi và hoàn thiện thông qua quá trình kiểm toán. Tuy nhiên trường hợp DN cố tình gian lận thì kiểm toán viên cũng không có trách nhiệm phát hiện và kết luận về gian lận đó.

Vậy nhà đầu tư biết bấu víu vào đâu để có niềm tin vào các BCTC? Xin thưa, trách nhiệm ngăn ngừa và phát hiện gian lận này trước hết phải thuộc về Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban giám đốc đơn vị được kiểm toán.

TS. Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) từng nhấn mạnh giá trị của thành viên HĐQT là “nhìn ra tiền”, “suy nghĩ thành tiền” chứ không phải “làm ra tiền”, đồng thời biết giám sát để làm ra tiền theo cách nhìn và suy nghĩ đó.

Tuy nhiên, mô hình quản trị hiện tại của Việt Nam đang hạn chế vai trò này khi nhiều thành viên HĐQT thiên về điều hành hơn là quản lý chiến lược và giám sát; thậm chí, chỉ chạy theo lợi ích ngắn hạn. Thực trạng, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc điều hành và là người đại diện theo pháp luật khiến quyền lực DN được tập trung vào một người nên dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng vị thế được giao. Nguy cơ này đặc biệt cao trong công ty có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn.

Nhìn sang cánh tay phải của HĐQT là Ban kiểm soát (BKS), vai trò của họ rất mờ nhạt. Bởi họ do thành viên HĐQT chỉ định và thường “đóng dấu cho HĐQT trong trường hợp cần thiết” chứ không giữ vai trò giám sát hoạt động của HĐQT. Lại thêm những quy định pháp lý chưa chặt chẽ khiến BKS càng lép vế. Ví như Điều 21 Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định: “BKS có quyền lựa chọn và đề nghị Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn tổ chức thực hiện kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán các BCTC của công ty đại chúng”.

Tuy nhiên ngay trong mẫu điều lệ áp dụng cho các công ty đại chúng ban hành kèm theo Thông tư này lại quy định: “Đại hội đồng cổ đông thường niên chủ động chọn một công ty kiểm toán độc lập hoặc thông qua danh sách các công ty kiểm toán độc lập và ủy quyền cho HĐQT quyết định lựa chọn một trong số các đơn vị này tiến hành các hoạt động kiểm toán công ty cho năm tài chính tiếp theo dựa trên những điều khoản và điều kiện thỏa thuận với HĐQT”.

Dành lại quyền tự chủ

Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty 2012 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chỉ ra rằng, tình hình kinh tế Việt Nam có chiều hướng đi xuống, kinh doanh kém thuận lợi khiến báo cáo thường niên cung cấp ít thông tin hơn, có thể do tình hình tài chính khó khăn hay công ty muốn hạn chế công bố các kết quả yếu kém. Hoạt động công bố thông tin của DN giảm mạnh nhất là các thông tin về HĐQT và BKS. Thông tin trong báo cáo nhìn chung không đầy đủ và mang nhiều tính hình thức hơn trước.

Mức độ minh bạch thông tin của các công ty đại chúng tỷ lệ thuận theo mức độ tham gia thị trường và quy mô DN. Báo cáo thẻ điểm quản trị chỉ ra 25 công ty mới được đưa vào đánh giá đầu năm đều có điểm dưới mức bình quân là 38,7% trong khi mức bình quân chung là 42,5% của toàn bộ 100 công ty được khảo sát. Báo cáo kết luận: “Có thể nói các thông lệ về quản trị ở Việt Nam chủ yếu vẫn tồn tại nhiều trên luật lệ nhiều hơn là trong thực tế triển khai áp dụng”.

Một điểm tựa khác mà cổ đông trông chờ là thành viên HĐQT độc lập. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng mới chỉ mang tính hình thức. Vai trò đưa ra các ý kiến phản biện trước các chiến lược kinh doanh của công ty chưa được phát huy. Đây là lý do Ths. Lê Thị Thảo – Khoa Luật, Đại học Huế cho rằng, để tăng chất lượng các báo cáo, phải trao thêm quyền cho các thành viên HĐQT độc lập này để họ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và kiềm chế Ban giám đốc một cách hiệu quả hơn; Yêu cầu họ có những phiên họp ở cấp điều hành không có ban giám đốc hiện diện, đồng thời yêu cầu các thành viên HĐQT độc lập chỉ định và tiết lộ công khai danh tính thành viên HĐQT sẽ chủ tọa phiên họp này nhằm tạo điều kiện cho một thành viên HĐQT độc lập làm đối trọng với quan chức điều hành cao nhất.

Bên cạnh đó cần gia tăng quyền lực, trách nhiệm của BKS và các công ty kiểm toán, kể cả giao cho họ quyền quyết định thuê mướn hay sa thải các kiểm toán viên độc lập. Giao trách nhiệm thông tin liên lạc và làm việc trực tiếp với kiểm toán viên độc lập cho BKS. Việc gia tăng quyền lực của các thành viên hỗ trợ HĐQT cùng việc tách bạch vai trò điều hành của chủ tịch HĐQT, tập trung vào quản lý chiến lược và giám sát sẽ là cơ sở để có một cơ chế quản trị DN và một BCTC minh bạch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quan trọng nhất vẫn là nhận thức và phát huy quyền uy của các cổ đông. Các cổ đông cần khắt khe hơn nữa với HĐQT, đặc biệt là trong vấn đề đánh giá bổ nhiệm kiểm toán độc lập, yêu cầu cung cấp thông tin về lai lịch HĐQT được đề cử cũng như chất lượng báo cáo của HĐQT và BKS, tham gia đầy đủ và tích cực trong các phiên đại hội cổ đông. Bên cạnh đó cần có sự tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát thực thi của các cơ quan quản lý, UBCKNN, HNX, HSX nhằm tạo sự thay đổi trong hành vi của các công ty.

“Luật pháp Việt Nam quy định, công ty niêm yết phải có ít nhất 1/3 số thành viên HĐQT là thành viên không điều hành, đảm bảo “tính độc lập” của HĐQT. Điều này có thể dẫn tới những nhầm lẫn về khái niệm thành viên quản trị “không điều hành” và thành viên quản trị “độc lập” đối với công ty. Trong khi đó theo thông lệ quốc tế, thành viên HĐQT độc lập là người có quan điểm độc lập, khách quan trong quyết định và không có xung đột lợi ích. Thành viên độc lập được kỳ vọng là những người sẽ tạo ra sự đổi mới trong tư duy chiến lược công ty, chất vấn thẳng thắn HĐQT và ban giám đốc, bảo vệ quyền lợi của mọi cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số.

Còn thành viên HĐQT không điều hành được kỳ vọng là đem đến chuyên môn, các mối quan hệ cho công ty, các quan điểm mới nhưng không nhất thiết là những quan điểm độc lập”.

(Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty 2012)

 
                                                                                                                                               Theo: Vietstock

Các tin khác